Hầu như mọi người đều biết rằng các ứng viên trong quá trình tìm việc luôn phải nỗ lực hết sức nhằm để lại ấn tượng đẹp trong mắt nhà tuyển dụng, hòng tăng thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, một điều khá quan trọng mà đôi khi người làm nhân sự lại bỏ quên, tuyển dụng là quy trình tương tác hai chiều khi mà cả doanh nghiệp lẫn người lao động phải chinh phục lẫn nhau để tìm tiếng nói chung. Vì thế, khi liên tục đặt ra những yêu cầu khắt khe dành cho ứng viên để “đãi cát tìm vàng”, thì các chuyên viên nhân sự cũng đừng quên tối ưu quy trình tuyển dụng của mình nhằm mang lại sự tin tưởng và thiện cảm với doanh nghiệp trong lòng ứng viên tiềm năng. Muốn thắng thế trên thị trường tuyển dụng cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, bạn hãy dành sức lực giải quyết những vấn đề phức tạp, đừng bao giờ để vuột mất nhân tài nào chỉ vì quy trình thiếu chuyên nghiệp hoặc khả năng tương tác kém nhé!
Dưới đây là 3 điều đơn giản nhưng có thể giúp những người làm công tác nhân sự tạo được nhiều cảm nhận và trải nghiệm tốt nhất cho ứng viên về quy trình tuyển dụng của công ty.
1. Suy nghĩ như ứng viên
Chúng ta ai cũng từng là người tìm việc vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình. Vì vậy, hãy dùng các hiểu biết thực tế của chính mình để kiểm nghiệm lại và cải thiện cho cảm nhận của ứng viên tốt hơn. Bạn cần có sự đồng cảm với những “nỗi lòng” mà người tìm việc thường gặp phải và tìm giải pháp giúp họ khắc phục các thách thức, khó khăn đó. Bạn nên dành thời gian để tập trung vào quy trình nộp hồ sơ ứng tuyển của công ty. Nó đã đơn giản và trực quan chưa? Hay vẫn rất cồng kềnh và lỗi thời? Nếu phát hiện còn bất kỳ vấn đề gì chưa tốt, hãy chủ động sửa chữa và cải tiến nó ngay.
2. Ưu tiên cho thông tin giao tiếp
Trở ngại lớn nhất đối với hầu hết ứng viên là thiếu thông tin. Nếu bạn không cho người dự tuyển biết quy trình tuyển dụng của công ty thường diễn ra như thế nào, gồm các bước ra sao thì họ sẽ rời khỏi công ty bạn mà không mang theo sự kỳ vọng hay chờ đợi nào cả. Điều này cũng khiến những người muốn làm việc cho bạn cảm thấy nản lòng.
Hãy tránh để ứng viên rơi vào tình trạng lạc lõng và mù mờ về mọi thứ bằng cách đảm bảo rằng bạn luôn tương tác và trao đổi thông tin trong suốt quá trình giao tiếp. Ví dụ như chúng ta có thể áp dụng hệ thống thư xác nhận tự động khi ứng viên nộp hồ sơ. Nội dung thư cần xác định rõ rằng ứng viên sẽ có thể nhận được thông tin từ nhà tuyển dụng trong vòng bao lâu, các bước sau nữa sẽ như thế nào. Nếu việc liên hệ với từng người khó thực hiện, cách giải quyết đơn giản là gửi đi nội dung như “Công ty sẽ liên lạc trong vòng 1 tuần đối với những ứng viên đạt yêu cầu và được cân nhắc cho vị trí đang tuyển dụng.” Điều này sẽ khiến ứng viên tin tưởng hơn, đồng thời đảm bảo cho họ một trải nghiệm tốt hơn.
3. Hỏi và thu thập những phản hồi trung thực
Hãy tận dụng các ứng viên như nguồn thông tin phản hồi đáng tin cậy, dù sau đó bạn có thuê họ làm việc hay không. Vào cuối mỗi quy trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể hỏi để ứng viên chia sẻ nhận xét và cảm nhận của họ. Lắng nghe, ghi nhận và sử dụng những lời phê bình làm động lực nhằm cải thiện hoạt động tốt hơn, và ghi nhớ rõ những đánh giá đó trong đầu khi bạn tiếp tục gặp gỡ các ứng viên khác.
Đầu tư để người tìm việc luôn có trải nghiệm tích cực khi tương tác với công ty là một bước cực kỳ quan trọng trong nghệ thuật thu phục nhân tài. Không chỉ có ứng viên được tuyển dụng thấy mình được công ty chào đón, mà cả những người không được chọn cũng sẽ cảm nhận rằng họ được tôn trọng. Và như là kết quả tất yếu, họ sẽ có nhã ý giới thiệu hoặc chia sẻ các thông tin tuyển dụng cho nhiều người quen khác mà họ nghĩ rằng người đó thích hợp với tổ chức của bạn hơn.