Hai công việc “khó nhất quả đất” đó là vận hành một doanh nghiệp và quán xuyến một gia đình. Thậm chí ngay cả khi chưa từng làm cha mẹ, bạn vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy bạn bè và người thân mang những đứa trẻ đến thế giới này và cố gắng dạy dỗ chúng về mọi thứ. Qua thời gian, nhiều người đã đi đến kết luận rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa việc quản lý thành công một nhóm nhân viên và chăm sóc một gia đình.
Một trong những điểm tương đồng lớn nhất đó chính là sự công nhận, ngợi khen và nghệ thuật động viên. Giống như cha mẹ đầu tư cho sự bền vững lâu dài của gia đình họ, người quản lý giỏi cần đầu tư cho tương lai thành công của nhân viên bằng cách thúc đẩy nhằm giúp họ có thể trở thành lớp người kế thừa tốt nhất.
Nhưng hãy cẩn thận, động viên và khen ngợi cũng có phương pháp đúng và sai. Dưới đây là một số bí quyết, rút ra từ kinh nghiệm của những người làm cha mẹ, để thực hiện hành động ghi nhận nhân viên một cách thật ý nghĩa.
Ngợi khen đúng: “Anh làm gì” thay vì “Anh là ai”
Dù là bạn động viên và ghi nhận vì cấp dưới đã hoàn thành tốt công việc, hay đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng, nghiên cứu đã chỉ cho chúng ta thấy rằng việc rạch ròi giữa hiệu suất làm việc và tính cách cá nhân sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
Một khảo sát gần đây, tiến hành trên trẻ em trong độ tuổi từ 1-3, đã chỉ ra rằng khi cha mẹ tán dương con cái một cách nhất quán về những hành động cụ thể – “anh làm gì” (ví dụ như hoàn thành câu đố), thì các bé sẽ cho thấy dấu hiệu của lòng tự trọng cao hơn và tác động tích cực hơn đến hiệu suất. Ngược lại, những đứa trẻ được ca ngợi vì tính cách cá nhân – tức “anh là ai” – (ví dụ như “con rất thông minh”), thường sẽ bị giảm đi sự tự tin và khả năng chịu đựng khi đối mặt với những nhiệm vụ ngày càng khó khăn.
Hãy áp dụng các bài học này vào cho đội ngũ nhân sự, nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn nói lời khen đồng nghiệp hay nhân viên. Bạn có khen họ vì đã xử lý rất tốt một tình huống hoặc bày tỏ sự ghi nhận vì họ hoàn thành công việc sớm, hay là bạn đã tán thưởng vì họ thông minh và cống hiến nhiều?
Nếu câu trả lời là vế sau, hãy cân nhắc một cách tiếp cận khác cho lần tới. Điều quan trọng là lời khen ngợi phải có sự kết nối phù hợp với những hành động của nhân viên. Như trường hợp của cha mẹ với con cái, sự kết nối này làm tăng sự tự tin, độc lập của cá nhân và củng cố các hành vi tích cực có ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của toàn hệ thống.
Tránh vô tâm và thiếu sự chân thành
“Thiếu thành thật luôn là một điểm yếu, thành thật ngay cả trong lỗi lầm vẫn luôn là sức mạnh” – George Henry Lewes.
Để lời khen ngợi có sức ảnh hưởng, nó cần phải chân thành. Với một tỷ lệ đáng kể các nhân viên nghĩ rằng họ thiếu sự gắn bó với công việc như hiện nay, thì điều cần để tâm nhiều là ngay cả những lời ngợi khen nhiệt liệt nhất nhưng nếu được nói thường xuyên quá thì cũng không còn ý nghĩa.
Cũng như lúc bạn phản ứng với cha mẹ mình khi còn là một đứa trẻ, nhân viên sẽ muốn bạn chứng minh thêm nếu cảm thấy có sự giả tạo. Không có gì phải bàn cãi, lời khen không thật lòng sẽ sớm bị nhân viên phát hiện và tạo ra một môi trường làm việc thiếu tin tưởng. Như chuyên gia nhân sự Meghan Biro đã chia sẻ trong một bài viết của Forbes gần đây rằng “Khi công nhận một ai đó bạn phải thực tâm nghĩ như thế”.
Tương tự vậy, đưa ra những lời khen theo cách không hợp với mong đợi hoặc khác xa nhu cầu của nhân viên có thể gây nên sự khó hiểu, và thậm chí đôi lúc quá giới hạn mà trở thành xúc phạm. Giả dụ, đừng cho rằng lúc nào tiền thưởng cũng có thể tạo động lực cho những nhân viên thực sự chỉ muốn nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm. Dành thời gian để hiểu nhân viên hơn là cần thiết để có thể phác thảo nên những hình thức ghi nhận có ý nghĩa đối với họ, và đáng giá cho bạn nữa.
Bỏ ngay thói quen tặng quà trong mọi trường hợp
Khi lựa chọn một phương pháp khen ngợi, hãy tiếp cận từ quan điểm của người được nhận. Điều gì là ý nghĩa nhất và dễ chịu đối với họ?
Theo tác phẩm bán chạy số 1 của New York Times có tên “The 5 Languages for Appreciation in the Workplace” (tạm dịch “5 ngôn ngữ động viên nơi công sở”), trong đó Gary Chapman và Paul White chia sẻ về những cách tiếp nhận khác nhau của nhân viên đối với sự ghi nhận trong công việc, thì 5 “ngôn ngữ” đó là:
1. Lời nói động viên (Words of Affirmation)
2. Quà tặng hữu hình (Tangible Gifts)
3. Hành động chăm sóc (Act of Services)
4. Giao tiếp thân mật (Physcical Touch)
5. Thời gian chia sẻ (Quality Time)
Có điều gì khiến bạn chú ý không? Cả 5 loại “ngôn ngữ” ghi nhận này đều chính là cách tiếp cận mà các bậc cha mẹ sử dụng để giáo dục và động viên con cái.
Chấp nhận sự khác biệt trong những kỹ thuật thúc đẩy nhân viên là chìa khóa để có thể hiểu nên làm thế nào khiến nhân viên của bạn cảm thấy họ quan trọng. Trong khi một số người cần có quà tặng vật chất cụ thể, thì có vài thành viên lại được tiếp thêm động lực khi có người dành thời gian giám sát hoặc dẫn dắt họ tận tình. Không có lựa chọn nào đúng hay sai, người quản lý thông minh cần phải cố gắng để hòa nhịp và đáp ứng hợp lý.
Điều cuối cùng, hãy nhớ rằng những chương trình khen thưởng nhân viên không nhất thiết phải tốn kém thì mới hiệu quả. Như chuyên gia Kevin Kruse đã chia sẻ trên Forbes, mục tiêu thực sự là khiến nhân viên cảm thấy được công nhận và có ích, mà không đi kèm cái giá cụ thể nào. Một mảnh ghi chú dán lên bàn khen tặng công việc hoàn thành tốt, hay một buổi BBQ thịnh soạn đầy ngẫu hứng để chúc mừng thành quả đều có thể khiến nhân viên hài lòng về giá trị của họ, đơn giản hay hoành tráng tùy bạn quyết định.
Vào cuối mỗi ngày, giống như cha mẹ thường làm để các con cảm thấy chúng đặc biệt và được yêu thương, người quản lý hãy tạo ra không khí làm việc mà nhân viên cảm thấy thực sự được hỗ trợ và có ý nghĩa. Điều này rất đơn giản – khi khởi đầu mọi thứ bằng sự chân thành và lòng bao dung, bạn sẽ ngạc nhiên trước những tác động mạnh mẽ mà lời nói và việc làm của bạn mang đến cho tinh thần làm việc toàn công ty.