Bảo đảm cho quyền lợi này, Bộ luật Lao động 2012 hiện hành và Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đều quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, điểm khác nhau trong quy định của hai Bộ luật là thời hạn báo trước.
Bộ luật Lao động 2012 quy định, khi đơn phương chấm dứt lao động trong trường hợp không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc (điểm a, khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012).
Trong khi đó, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật.
Cụ thể, khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.