Nghề quảng cáo – Càng dấn thân càng thấy mình rõ nét

Những năm gần đây, lĩnh vực quảng cáo như “miền đất hứa” thu hút rất nhiều bạn trẻ say mê sáng tạo, thích viết lách và yêu sự mới lạ mỗi ngày. Huỳnh Vĩnh Sơn, tác giả quyển sách “Ý tưởng này là của chúng mình” vừa ra mắt cách đây không lâu, đã có cuộc trò chuyện rất thú vị cùng CareerBuilder Vietnam. Hãy cùng xem trong ánh mắt, con tim của một người sáng tạo trẻ, một Copywriter chuyên nghiệp tại Grey Global Group Vietnam, thì viết ý tưởng là như thế nào, yêu nghề là gì và sống với đam mê ra sao.


Chào Sơn, được biết anh học Quản trị Kinh doanh nhưng lại trở thành một Copywriter. Anh có thể chia sẻ đôi điều về mình, thời gian với nghề quảng cáo đã cho anh những trải nghiệm thế nào?

Năm thứ hai đại học, khi tiếp xúc với môn học Marketing tôi nhận thấy rằng mình yêu lĩnh vực này và lập cho mình trang toiyeumarketing.com. Hơn bốn năm qua với tôi chỉ mới là thời gian bắt đầu. Tôi được nhiều và “bể” cũng nhiều lắm. Thậm chí đến nay ba mẹ tôi vẫn chưa thể hiểu thật ra tôi làm nghề gì. Gần đây khi quyển sách “Ý tưởng này là của chúng mình” ra mắt, thêm những bài báo phỏng vấn, ba mẹ tôi dần hiểu thêm chút ít và bớt buồn hơn mỗi khi tôi xách túi ra khỏi nhà vào cuối tuần. Rồi chuyện tình cảm, bạn bè, họ bảo tôi hơi khác người khi đi vào lĩnh vực quảng cáo. Do mọi thứ hoàn toàn khác biệt, mọi người khó có thể hiểu nhau và dần xa nhau. Tôi đã “bấm bụng” hy sinh những tình cảm đó.

Nhưng, quảng cáo là một trong số ít môi trường làm việc nuôi dưỡng, trân quý cái tôi của mỗi người. Càng dấn thân vào, tôi càng nhận ra mình rõ nét, chỉ có thể “đậm chất” hơn chứ khó thay đổi. Một ví dụ để dễ liên tưởng, mỗi nhãn hàng, sản phẩm đều có “cá tính” riêng, và chúng sẽ phù hợp với tính cách của từng chuyên viên quảng cáo. Người thích bụi bặm, hầm hố sẽ chọn làm những nhãn hàng góc cạnh như xe máy, rượu. Người “dịu” một chút thì chọn mỹ phẩm, sữa tắm. Tôi thì thích các nhãn hàng dành cho phụ nữ. Có lẽ vì tôi yêu phụ nữ.

 “Quảng cáo vui lắm, rảnh vô làm chơi”

(Nguồn ảnh: internet)


Theo khảo sát của CareerBuilder, các vị trí tuyển dụng cho ngành marketing hiện tại, đặc biệt ở lĩnh vực quảng cáo luôn thu hút đông đảo ứng viên. Ở góc nhìn của anh, lựa chọn đấy là do mức lương dành cho công việc này rất tốt hay vì điều gì khác?

Làm quảng cáo không bao giờ giàu được. Cho nên những ai vào ngành này mà trụ được một, hai năm thì hẳn họ là người có đam mê ghê gớm lắm. Đã theo “nghiệp” này thì ngay cả đời sống cá nhân cũng phải cho vào guồng máy công việc. Để có một sản phẩm cần trải qua nhiều khâu sáng tạo, quá trình thực hiện. Phải ăn dầm nằm dề, giăng mùng trải chiếu, sống chết với nó. Bạn phải hi sinh một phần đời của mình, là phụ nữ càng phải chấp nhận nhiều hơn. Vất vả trăm bề, nhưng bù lại phần thưởng là chúng ta hiểu khá rõ bản thân. Giả sử sau đó nếu có chuyển ngành cũng dễ thành công hơn. Vì họ đã nắm rất chắc những kỹ năng mà tất cả các ngành nghề khác đều cần có. Họ viết hay, biết phân tích, đánh giá tình hình, gu thẩm mỹ cao, ăn mặc phong cách, giao tiếp giỏi… Có một điều đặc biệt là “dân” quảng cáo, cứ nửa năm gặp lại bạn sẽ thấy họ khác. Sự đổi thay này giúp họ tìm được cái mới, cái sáng tạo trong nghề chứ không phải đánh mất bản chất.


Cũng có những người làm sáng tạo mà không nhận ra cái tôi cá nhân, không biết rõ thế mạnh của mình ở đâu, anh nghĩ gì về điều này?

Nhiều bạn ngồi cà phê với tôi, nói rằng “em thấy làm nghề này thú vị lắm, em cũng muốn làm”. Các bạn đâu biết rằng, nghề này phải dấn thân và đánh đổi nhiều thứ. Ai cũng khao khát muốn biết mình là ai, nhưng còn một cách để biết mình là ai là biết mình không là ai. Con người chúng ta hiện lên rõ nhất khi đối diện với những khúc khuỷu trong cuộc sống, lúc khó khăn ập đến như viên đá lớn đập vào mình. Cách bạn đối mặt, giải quyết những viên đá đó, hành xử khi bị khách hàng từ chối… cho thấy bạn là ai. Rất nhiều người tìm cách tránh né. Nhiều bạn trẻ đi làm chỉ một năm, sau đó về xin tiền gia đình đi du học “để giỏi hơn”, “để không gặp những tình huống đó nữa”. Thật ra đó là sự trốn chạy.


Có đam mê, sự dấn thân thì mới theo được nghề. Phải chăng tuyển dụng trong lĩnh vực quảng cáo sẽ đưa ra những tiêu chí đặc biệt so với ngành khác. Ứng viên có cần “điên” một chút, “lạ người” một chút?

Phải kinh nghiệm lắm mới có thể phỏng vấn một người cho vị trí phụ trách chính. Bởi như đã nói, sáng tạo là cách nghĩ, cách sống của từng người. Người nào sống hơi hèn thì ý tưởng nó cũng hèn, ai sống bạo liệt thì ý tưởng bạo liệt. Thường những người trải nghiệm dày dạn trong nghề mới có kỹ năng phỏng vấn. Chính vì điều này mà ít có công ty quảng cáo nào đăng thông báo tuyển người rộng rãi, thường họ dùng mạng lưới từ bên trong. Mối quan hệ sẵn có giúp nhà tuyển dụng phần nào biết về ứng viên, người mới toanh phần lớn rất khó bắt được tâm hồn và cảm hứng của họ. Có những người rất giỏi nhưng họ không thể “bắt” được cảm hứng.

Thật sự, tiêu chí cũng hết sức đơn giản, chẳng qua khó gọi ra bằng lời. Mục đích cuối cùng của quảng cáo vẫn là làm kinh doanh, mà gốc rễ của kinh doanh là kiếm tiền. Những con người trong guồng máy cũng phải hướng về mục tiêu đó. Trong hơn bốn năm qua, tôi nhận ra rằng yêu cầu rất đơn giản chỉ là làm được việc thôi. Bạn phải có ý tưởng, lòng đam mê, chịu khó, và sáng tạo bất cần thân thể.


Anh từng nói những người làm quảng cáo hiện nay “họ trẻ, khỏe, rẻ nhưng thông tin về ngành bị che khuất bởi một lớp sương mờ mà Google không vén nổi”, phải chăng “lớp sương mờ” đấy là sự thiếu nền tảng, không đủ tự tin?

Lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam vẫn mới chỉ hai mươi mấy tuổi. Cả những tập đoàn cả trăm năm trên thế giới, họ vào Việt Nam lâu nhất chỉ mười mấy năm. Cho nên, nếu “vịn” vào Google, chúng ta sẽ không có những thông tin tiếng Việt và thông tin địa phương, vì vậy không thể nhìn ra được chân dung rõ ràng của một chuyên viên quảng cáo hay Copywriter. Sách nước ngoài rất nhiều nhưng chúng vẫn là một bối cảnh cho những nền văn hóa khác.

Tài năng trẻ bây giờ đầy rẫy, kỹ năng đầy mình, và góc nhìn thì hoang dại. Nhưng cốt lõi nghề quảng cáo vẫn là kinh doanh, nó có hệ thống riêng và đòi hỏi riêng. Nhiều bạn không lường trước những điều đó, nên khi va chạm thực tế sẽ dễ thất bại. Như tôi thường nói đùa là “Vào hối hả ra hối hận”. Tôi đã gặp nhiều bạn rất trẻ vừa ra trường thôi, hùng hổ thể hiện bản thân, vào cuộc họp phản ứng dữ dội, “sao không ai hiểu tôi!”. Bởi vậy, nếu không có sự chuẩn bị đúng, bên cạnh khả năng phù hợp, thì bạn sẽ chỉ tự bơi và không thể làm nghề tốt.

 “Quảng cáo là nghệ thuật vị nhân sinh, phải chạm được đến số đông”

(Nguồn ảnh: CareerBuilder Vietnam)


Vậy, trong mắt một người trẻ như anh, xu hướng tương lai ngành quảng cáo tại Việt Nam sẽ thế nào?

Tầm nhìn đó lớn quá, tôi không biết nữa! Vài năm nay, năm nào tôi cũng đọc rất nhiều báo cáo nói là “wow, Digital lên ngôi”. Nhưng mà nhìn lại đi, năm năm qua Digital lên ngôi một cách rất ì ạch. Copywriter Digital mới rất nhiều nhưng sống khá chật vật, không thấy rõ nét được.

Quảng cáo cũng giống như điện ảnh, văn học, văn chương. Nó là nghệ thuật vị nhân sinh, phải chạm được đến số đông. Nói chính xác hơn, điện ảnh, văn học và văn chương của quốc gia nào là biểu hiện của nền dân trí đất nước đó trong thời điểm đó.


Là người sáng tạo, anh chấp nhận làm cái bình dân để hài lòng số đông hay khao khát theo đuổi một tầm vóc cao hơn?

Đây cũng là một trong những thử thách với người làm quảng cáo, họ thường hay bị xung đột. Nhiều người rời ngành vì không vượt qua được xung đột này. Nói cách nào đó, chúng ta tạm gọi làm những điều đơn giản cho tầng lớp trung bình là bình dân đi. Đối với tôi, cái gì cũng là nghệ thuật. Bạn tưởng rằng làm ra cái gì đó được số đông mê, nhắc đi nhắc lại là dễ lắm sao? Người ta hay nói làm cho số đông dễ nhưng làm sao để số đông nhớ rất khó. Khi làm những bước đó thật sự, mình có thể đi vào khai thác sáng tạo ở nhiều góc độ khác nhau. Làm tốt một điều bình dân cho số đông đón nhận không hề đơn giản.


Thế còn định hướng sắp tới của anh, vẫn là một người mải mê đuổi theo những ý tưởng, hay chuyển sang một lĩnh vực khác táo bạo hơn?

Tôi là người luôn có nhiều mục tiêu. Nhìn chung cho đến thời điểm hiện tại tôi vẫn còn yêu nghề, vẫn còn nhìn thấy những nấc thang cho mình leo lên. Tôi học từ người đi trước rất nhiều. Làm việc đã hơn bốn năm nhưng mỗi khi viết ý tưởng gửi cho sếp duyệt rồi nhận lại tôi luôn cảm giác như mình vẫn là một thực tập sinh. Tôi hay để ý tưởng dẫn dắt mình đi, và luôn tò mò để xem nó dẫn dắt mình đến đâu.

Tôi không dám chắc mình yêu nghề quảng cáo đến già, nhưng tôi biết mình sẽ làm sáng tạo đến già. Tôi yêu ý tưởng lắm, yêu sáng tạo một cách lạ kỳ. Và tôi yêu sáng tạo đến mức không cần yêu sinh mạng của mình.