Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, khi dự thảo được thông qua, việc tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm của công dân sẽ được dễ dàng hơn
Một công dân, một doanh nghiệp có một định danh duy nhất
Đây là nguyên tắc xây dựng, quản lý, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm nêu tại Điều 4 dự thảo này. Theo đó, một công dân, một doanh nghiệp có một định danh duy nhất trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Đây là cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất toàn quốc về dữ liệu bảo hiểm, được cập nhật chính xác ngay sau khi giao dịch về bảo hiểm người dân, doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện hoàn tất.
Theo đó, công dân sẽ được khai thác, kiểm soát dữ liệu về bảo hiểm của mình gồm: Truy cập và xem thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Trích xuất thông tin của mình dưới dạng văn bản điện tử có chữ ký số; Sử dụng thông tin của mình để tự động cung cấp cho các thủ tục hành chính công liên quan; Cho phép hoặc không cho phép cá nhân, tổ chức khác truy cập dữ liệu của mình; kiểm soát, tra cứu lịch sử việc sử dụng thông tin của mình bởi các cá nhân, tổ chức; Khiếu nại về nội dung dữ liệu về mình.
Những thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm
Các nhóm thông tin cơ bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm gồm:
– Thông tin cá nhân: Họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, mã số công dân, dân tộc, quốc tịch, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, số điện thoại, tên cha mẹ, ảnh…
– Thông tin về hộ gia đình: Sổ hộ khẩu, địa chỉ;
– Thông tin về BHXH: Mã số; loại đối tượng; phương thức đóng; quá trình đóng gồm thời điểm bắt đầu đóng, kết thúc; tiền lương đóng (mức lương/mức thu nhập, hệ số lương); phụ cấp đóng; chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất…
– Thông tin về BHYT: Mã BHYT, loại đối tượng, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm hết hạn, thông tin 5 năm liên tục;
– Thông tin về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): Thời điểm bắt đầu, kết thúc, mức đóng BHTN, thời gian đóng BHTN được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; thời điểm hưởng, mức hưởng, thời gian hưởng, số lần hưởng…
– Thông tin về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hình thức hưởng một lần hoặc hưởng hàng tháng…
Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm còn nêu thông tin về người có công; về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng: đối tượng, thời điểm hưởng, kết thúc hưởng, mức hưởng; thông tin về giảm nghèo…
Có thể thấy, toàn bộ những thông tin liên quan đến bảo hiểm của công dân đều được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm.