Covid-19 quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày không có ca nhiễm cộng đồng khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn, tạo sức ép lớn lên thị trường lao động, việc làm và cả nền kinh tế.
VnExpress trao đổi với Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Lê Văn Thanh xung quanh vấn đề này.
– Bức tranh lao động, việc làm của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong quý 2 năm 2020, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý 1 năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị quý 2 là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.
Nếu như trong nửa đầu năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,4 triệu người, đến nay đã giảm xuống còn 51,8 triệu người (giảm 2,6 triệu người). Một số ngành có số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm trên 324.000 người); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm khoảng 156.000 người); giáo dục và đào tạo (giảm hơn 122.000 người); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy (giảm 120.000 người)… Đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong thập niên qua.
Tuy nhiên cho tới nay, thị trường lao động Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt. Chỉ riêng tháng 6 đã có thêm 120.000 lao động được giải quyết việc làm. Các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi việc làm, lao động bị ngừng việc nay đã trở lại thị trường; riêng trong lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có 1.400 lao động trở lại làm việc bình thường. Hi vọng trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt hơn, thị trường lao động, việc làm tại Việt Nam sẽ có nhiều khả quan hơn.
– Chỉ ba tháng gần đây, 1,3 triệu lao động đã bị thất nghiệp, vậy nguyên nhân là gì?
– Trong thị trường lao động, thất nghiệp luôn luôn tồn tại cho dù số việc làm tạo ra lớn hơn số lao động có nhu cầu. Nguyên nhân vì lúc nào cũng có người mới bước vào thị trường, cần thời gian tìm việc; người không đáp ứng được nhu cầu của chủ sử dụng nên không được tuyển hoặc bị sa thải; giữa người lao động và chủ sử dụng không đạt được thỏa thuận về việc làm (vì lý do tiền lương, thời giờ, thời gian làm việc, các chế độ…); người lao động đang làm việc muốn chấm dứt hợp đồng để tìm việc tốt hơn; doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh và sa thải lao động…
Tuy nhiên thời gian qua, ngoài những lí do nói trên, đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu khiến số người bị mất việc, ngưng việc nhiều hơn. Dịch bệnh đang lây lan mạnh ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên minh châu Âu EU, Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hoặc đình trệ. Khi các công ty không có nguyên liệu sản xuất và đơn đặt hàng thì công nhân sẽ không có việc làm, thất nghiệp.
Covid-19 cũng khiến hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động. Giãn cách xã hội làm cho không chỉ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà du lịch, nhà hàng, giáo dục… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Lao động những ngành này vì vậy đối mặt với rất nhiều khó khăn.
– Bộ Lao động Thương binh Xã hội dự báo thất nghiệp thật sự có thể rơi vào dịp cuối năm. Đâu là căn cứ để đưa ra dự báo này, thưa ông?
– Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày không có lây nhiễm cộng đồng. Số lượng người bị nhiễm trong mấy ngày qua khá cao, một số địa phương đã phải thực hiện cách ly xã hội. Bên cạnh đó, diễn biến dịch ở ba khu vực trọng điểm là Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa thực sự chuyển biến tích cực. Nguy cơ bùng dịch, lây lan cộng đồng còn cao, trong khi vaccine phòng Covid-19 vẫn chưa thể có mặt ở thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tình hình kinh doanh, sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Dự báo trong quý 3/2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần.
Trước thực trạng đó, Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo… Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Dự báo của Ngân hàng thế giới về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng nêu rõ, nền kinh tế thế giới trong những tháng tới sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng (dự báo năm 2020, GDP giảm 5,2%; thu nhập đầu người giảm 3,6%), thương mại, du lịch và các ngành nghề có tính giao thương quốc tế sẽ bắt đầu hoạt động trở lại nhưng sẽ khó có sự hồi phục mạnh mẽ.
– Với dự báo bức tranh lao động, việc làm sắp tới ảm đạm như vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tính đến giải pháp, mạng lưới an sinh như thế nào?
– Trung ương và Bộ Lao động Thương binh Xã hội xác định cùng lúc phải hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh thì người lao động mới không bị thất nghiệp, ngưng việc, giãn việc.
Chính phủ đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đưa các dịch vụ lên cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài và điều kiện tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng được giảm thuế, giảm phí, hoãn nộp thuế… để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sửa đổi một số điều kiện để các doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ theo nghị quyết 42 và quyết định 15. Cụ thể như khoản vay ngân hàng chính sách đễ hỗ trợ 50% tiền lương cho người lao động, trước đây cần nhiều điều kiện gồm không có doanh thu, khó khăn về tài chính đến mức không có tiền trả lương, đã trả trước cho người lao động 50% lương…, nay giảm bớt các điều kiện đó đi, doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu là được vay.
Tại đợt dịch đầu tiên, chúng tôi đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động đến hết tháng 6/2020, nhưng nay dịch vẫn diễn biến phức tạp nên tiếp tục kiến nghị dừng đóng thêm sáu tháng nữa.
Các cơ quan của Bộ cũng tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình việc làm, nhu cầu của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm đời sống người lao động. Chúng tôi cũng hướng dẫn người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung – cầu lao động.
Vừa qua, các địa phương đã hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 theo nghị quyết 42 của Chính phủ và quyết định 15 của Thủ tướng với tổng số tiền trong gói hỗ trợ là 62.000 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát để đảm bảo người nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đều được hỗ trợ. Chúng tôi cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung nghị quyết và quyết định nói trên để mở rộng nhóm hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng nghiên cứu các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khả thi để mở rộng diện bao phủ đến những người dân cần được trợ giúp. Chúng tôi sẽ sử dụng một khoản tiền trong quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế.