Theo báo cáo Global Innovation Index 2016 do ĐH Cornell, INSEAD phối hợp với Tổ chức World Intellectual Property Organization (WIPO) thực hiện, Thụy Sỹ là nước đứng đầu thế giới về chỉ số sáng tạo, theo sau đó lần lượt là Thụy Điển, Anh, Mỹ, và Phần Lan. Tại Châu Á, Singapore là nước đứng đầu và xếp hạng thứ 6 của thế giới. Trong khi đó, báo cáo này xếp Việt Nam ở hạng 59.
Sáng tạo, cải tiến, làm mới… là những từ ngữ đẹp đẽ thường trực trên môi của những người lãnh đạo doanh nghiệp. Bản thân các nhà quản lý thường mang tâm lý tự tin rằng họ luôn khuyến khích bất cứ sự đổi mới nào tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở cương vị người dẫn dắt một bộ phận hoặc một công ty, bạn có bao giờ tự hỏi – liệu tôi có đang hành xử đúng cách để giúp người khác thử sức với những điều mới mẻ và đề xuất những ý tưởng mới – liệu tôi có đang vô hình chung tạo dựng một văn hóa làm việc “độc hại” cho những sáng kiến?
Lee Iacocca, doanh nhân huyền thoại trong lĩnh vực chế tạo ô tô, được mệnh danh là “Ông tổ của dòng xe Mustang” của hãng Ford, và là người hùng đã làm hồi sinh hãng xe Chrysler, đã nói “Management is nothing more than motivating other people” (tạm dịch “Nghệ thuật Quản trị chẳng gì hơn là tạo động lực cho người khác”). Vậy làm cách nào để tạo động lực một cách phù hợp cho nhân viên, nhằm cho phép họ nuôi dưỡng và phát triển tố chất sáng tạo theo đúng định hướng chiến lược của doanh nghiệp?
1. Trao quyền cho người khác– đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trao cho nhân viên một “không gian” mà trong đó họ được làm chủ và được phép thỏa sức sáng tạo. Song song đó hãy định hướng cho họ biết đâu là điều cần thiết nhất và đâu là điều cần được khai thác. Điều này có thể giúp nhân viên tập trung vào những ý tưởng phù hợp hơn với nhu cầu và mục đích chiến lược của công ty.
2. Tham khảo từ những người ngoài cuộc – sự đa dạng thông tin rất có giá trị. Cải tiến thường đến từ những cái nhìn mới mẻ đối với sự việc và điều đó đòi hỏi bạn tận dụng những mối quan hệ và kinh nghiệm của người khác, những người có cách làm việc và suy nghĩ khác nhau, đồng thời khuyến khích sự tranh luận mang tính xây dựng. Một cách để nuôi dưỡng môi trường có sự đa dạng như thế chính là chủ động tạo ra một “diễn đàn thảo luận” cho những người có quan điểm khác biệt. Có ý kiến cho rằng những doanh nghiệp tại Việt Nam do người Việt lãnh đạo vẫn chưa thật sự khuyến khích tư duy phản biện. Bạn có đồng ý với nhận định đó?
3. Hãy nói “Đúng, và…” thay cho “Không, bởi vì…”. Đề xuất một ý tưởng mới là điều chẳng dễ dàng gì, nhưng để ngăn người khác làm điều đó thì ngược lại. “Một cái nhướng mày hoặc một cái nhìn hoài nghi có thể giết chết một ý tưởng trước khi nó được hình thành.” Do đó đừng bỏ qua hoặc vội coi thường dù chỉ là một ý kiến nhỏ. Hãy cùng nhau phát triển ý tưởng đó lên và cách để thực hiện chúng. Cho nhân viên biết rằng bạn trân trọng mọi ý tưởng và sự sáng tạo, và rằng ý tưởng không nhất thiết phải hoàn hảo ngay từ đầu.
“Cách tốt nhất để có một ý tưởng tốt là có thật nhiều ý tưởng” — Tiến sĩ Linus Pauling (Giải Nobel Hóa học)
4. Không nên phản ứng thái quá, thay vào đó hãy đánh giá cao những lỗi thử nghiệm. Hiển nhiên sẽ có những sai lầm nảy sinh vì thông qua thất bại mới có thể rút ra bài học. Rất nhiều ý tưởng sẽ chẳng dẫn đến đâu, nhưng sự tức giận vô hình sẽ giết chết tinh thần dám sáng tạo mãi mãi. Hãy đưa ra hướng dẫn đâu là thứ được thử nghiệm và đâu là thứ cần sự kiểm tra khắt khe. Tạo ra không gian cho những thử nghiệm “an toàn”. Nuôi dưỡng sự học hỏi, nơi những lỗi lầm được đưa ra mổ xẻ và rút kinh nghiệm, đừng nên giấu diếm hay cảm thấy hổ thẹn vì những sai lầm.
“Phần trọng yếu của sự sáng tạo chính là không sợ thất bại” — Edwin H. Land (Nhà Vật lý, Khoa học gia, nhà Phát minh nổi tiếng từ Mỹ)
5. Tạo động lực và hỗ trợ những ai có tinh thần cải tiến
Cũng như mô hình start-up, con đường phát triển và biến một ý tưởng mới thành hiện thực sẽ có không ít chướng ngại vật. Những ý tưởng cần thời gian và nguồn lực để phát triển thành những dự án thật sự, và những người sáng tạo cần được cảm thông và hỗ trợ. Ở góc độ quản lý, cách giúp đỡ tốt nhất là tạo ra một cơ chế thoáng và tưởng thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực vượt bậc của họ. Một chương trình khen thưởng hấp dẫn và rõ ràng, minh bạch dành riêng cho những nhân viên sáng tạo thành công, tại sao không?
Trong giai đoạn kỷ nguyên số với những thay đổi chóng vánh của thị trường như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có 2 con đường “khác biệt, hay là chết”. Bạn đã sẵn sàng chào đón sự sáng tạo để làm nên khác biệt cho doanh nghiệp mình?