Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Trong Bộ luật này có nhiều quy định liên quan lương, thưởng của người lao động. Theo điều 104, hình thức thưởng không còn duy nhất là “tiền thưởng” như Bộ luật cũ mà được mở rộng “là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc”.
Vậy khi mở rộng nhiều hình thức thưởng mới, người lao động có được lợi hơn hay sẽ bị thiệt? Để trả lời thắc mắc này, Thạc sĩ Luật học Đinh Tiến Hoàng, đang công tác tại CTCP Tập đoàn PAN sẽ đưa đến cho chị em một cái nhìn khách quan.
Theo luật sư, các hình thức thưởng khác có thể là thưởng bằng hàng hóa, dịch vụ (thậm chí là hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp), hoặc các hình thức phiếu mua hàng, thẻ điện thoại, voucher, mã giảm giá…
Tiền thưởng được hiểu là khoản bổ sung cho tiền lương để trả cho những yếu tố mới phát sinh trong quá trình lao động (tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, sáng kiến…) chưa tính đến trong mức lương theo chức danh hoặc theo công việc, đồng thời kích thích người lao động phấn đấu và sáng tạo trong quá trình lao động… Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tiền thưởng như chiến lược để ổn định lực lượng lao động tại chỗ, thu hút người lao động giỏi và phát triển về chất lực lượng lao động trong đơn vị, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù quy định trên chưa được chính thức áp dụng, tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện cả hình thức trả tiền thưởng bằng tiền mặt lẫn bằng các tài sản khác, thậm chí không thưởng cho người lao động. Cần lưu ý rằng tại cả Bộ luật Lao động 2012 và 2019 đều không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải trả thưởng cho người lao động. Do đó, việc quy định hình thức trả thưởng (bằng tiền mặt hay hiện vật) chỉ là một quy định có tính chất định hướng cho chủ thể lựa chọn (quy phạm tùy nghi) chứ không có tính chất ép buộc, mệnh lệnh.
Về phía người lao động, việc thưởng bằng hiện vật có thể gây tâm lý chán nản, thất vọng cho người lao động, bởi nhu cầu, sở thích của mỗi người khác nhau. Thực tế, người lao động sẽ muốn được thưởng bằng tiền hơn bởi họ có thể chủ động mua sắm theo nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dựa vào quy định thưởng này để lách luật nhằm thanh lý các sản phẩm tồn kho, sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng làm mất lòng tin ở người lao động
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của người sử dụng lao động, việc quy định trả thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật là hợp lý và cũng là ghi nhận từ thực tiễn hiện tại, bởi xuất phát từ bản chất của tiền thưởng (là khoản tiền trả thêm nhằm khuyến khích sự sáng tạo và năng suất lao động của người lao động), người sử dụng lao động được chủ động quyết định việc thưởng, bao gồm cả hình thức thưởng cho người lao động, tùy thuộc vào việc họ (1) có muốn khuyến khích người lao động cống hiến, sáng tạo nhiều hơn hay không và (2) có đủ tiềm lực tài chính để chi trả khoản thưởng này hay không.
Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong tình trạng kinh doanh khó khăn, thua lỗ, việc thưởng năng suất cho người lao động dường như là không hợp lý, thậm chí còn gây áp lực cho tình trạng tài chính của doanh nghiệp. Bởi vậy, khoản 2 Điều 104 Bộ luật Lao động quy định: “Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định”.
Để hài hòa lợi ích của người lao động và quyền lợi của doanh nghiệp, Bộ luật Lao động yêu cầu người sử dụng lao động phải công bố công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Như vậy, tập thể người lao động có thể kiến nghị nếu cho rằng hình thức thưởng bằng hiện vật của người sử dụng lao động là không hợp lý.
Hi vọng, sau giải đáp trên của luật sư Đinh Tiến Hoàng, chị em có thể hiểu hơn về quyền lợi của mình khi được công ty thưởng. Dù được cấp trên trao tặng tiền hay hiện vật thì cứ hãy cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhé!